About

202669896aae154f1a62d4045ccad69e

con nh tôi mang …

Đôi khi tôi thắc mắc tự hỏi không biết con nhỏ bắt đầu xuất hiện trong đời sống tôi từ lúc nào ? Từ thuở ngây ngô với thói quen đặt lại đoạn kết của những câu chuyện cổ tích được nghe, như lời mọi người thường kể hay từ những lá thư gửi cho bố trong tù, những lá thư bố vẫn hãnh diện khoe những người bạn tù rằng tác giả vẫn còn quẹt ngang nước mũi bằng tay áo phồng ? Từ bài luận văn đầu tiên năm lớp bốn được cô giáo dùng để đọc trước lớp hay từ bài essay bằng tiếng Anh dài thậm thượt toàn những câu văn dịch rất sát nghĩa nhưng sai văn phạm ngày chân ướt chân ráo qua xứ người ? Từ truyện ngắn nhuộm đầy sắc thái … Quỳnh Dao đăng trong đặc san trường đại học hay từ đoản khúc gửi bâng quơ cho một toà soạn xa xôi được rơi vào quên lãng ? Từ lá thư tình ngọt ngào thơ mộng hay từ trang nhật ký băn khoăn nhọc nhằn ? Tuy không biết nguyên do từ đâu tôi lại có con nhỏ trong đời nhưng phải nói sự xuất hiện của con nhỏ ngay từ thuở … sơ khai đã không được hoan nghênh chào đón cho lắm . Mọi người trong gia đình, ngoại trừ bố, đều cho rằng sự có mặt của con nhỏ không đem lại một tí công ích lợi lộc gì sất cả cho cái đời sống vốn đã quá bận rộn, khi mà mọi thứ từ công việc cho đến cuộc chơi đều phải có thời khoá biểu, đều phải tính bằng giây chứ không chỉ bằng phút . Mẹ thì còn nhỏ nhẹ:

– Con gái mà nhạy cảm lãng mạn quá khó mà có thể có một đời sống gia đình êm ả hạnh phúc .

Chứ các anh chị tôi thì hùng hổ hơn nhiều, hết chê bai:

– Văn với chẳng thơ, chẳng được cái bộ tích sự gì .
– Ở đây phim ảnh, nhạc kịch đầy dẫy, không có giờ mà coi ai ở không mà đi đọc truyện .
– Những người mê thơ văn là những người thiếu thực tế .
– Không dám đương đầu với hiện thực nên trốn đàng sau con chữ .
– Không bằng lòng với chính mình nên phải sống qua nhân vật mình tạo dựng .

Lại hăm doạ với chứng cớ cùng những tấm gương sáng như ban ngày:

– Những người mê văn chương thường hay bị “tẩu hoả nhập ma”, trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, như Bùi Giáng .
– Và chết yểu nữa … như Hàn Mặc Tử .
– Con gái mà mê văn chương sẽ khó lấy chồng vì không ai có thể sống với một người cả ngày cứ trên mây .
– Con trai mà mê văn chương thì cả đời sẽ nghèo rớt mồng tơi vì không ai muốn mướn một người lúc nào cũng ngơ ngẩn tìm thơ .
– Thấy Nguyễn Ngọc Ngạn không, đâu có sống nổi bằng nghề viết nên phải đi làm M.C. đó thôi .
– Thấy Nguyễn Tất Nhiên không, thiên tài như thế rồi cuối cùng cũng tự tìm cái chết trong cô đơn .

Đại loại toàn là những nhát dao đâm sau lưng chiến sĩ của cái hậu phương chưa bao giờ ủng hộ tiền tuyến như thế nên tôi chưa dám cho con nhỏ ra quân đã vội kéo về ẩn nấp sau những trang bài làm dầy đặc ẩn số phương trình, dấu kín ở những cuốn sách hình học vật lý khô khan . Hoạ hoằn lắm tôi mới dám đem con nhỏ đi đánh … du kích ở những dòng chữ trả lời cho những lá thư tình tôi nhận được . Những lá thư tình đôi khi chỉ vỏn vẹn có mấy dòng, với cái mục đích rất đơn giản là rủ tôi trốn học đi chơi lại “bị” tôi đem con nhỏ ra biểu diễn khiến người được nhận đôi khi ngớ ra không hiểu tôi muốn nói gì . Xui cho con nhỏ là cái thuở tôi lớn đủ để … yêu là lúc tôi đã xa quê hương hàng ngàn cây số, là khi tiếng mẹ đã không còn là ngôn ngữ thông dụng trong đời sống hàng ngày nên thật hiếm hoi để kiếm trong đám con trai đồng trang lứa một tên đầu đen, da vàng, mũi tẹt nói tiếng Việt … không bị ngọng chứ đừng nói đến một người có thể “tán tỉnh” tôi bằng những áng văn lả lướt hay những vần thơ ướt át như con nhỏ hằng mơ mộng . Hậu quả là cả nhà không ai có bạn nhiều hơn tôi nhưng cũng không ai ít dùng điện thoại, ít đi chơi như tôi . Các chị tôi không biết có phải vì thấy tôi cứ ru rú ở nhà nên tội nghiệp hay vì sợ sự có mặt thường xuyên của con nhỏ em ở nhà làm … tăng lên sự vắng mặt của các chị nên cứ gặn hỏi mãi:

– Hôm nay trời đẹp quá mà sao mi không đi chơi ?

Tôi nhún vai:

– Đi với ai ? Tụi bạn em đứa nào cũng có cặp có đôi đi với tụi nó mất công thêm tủi thân .

– Thì mi cũng đi có cặp có đôi . Mấy thằng bạn mi đâu hết rồi ?

– Em nghỉ chơi hết rồi . Nói chuyện với tụi nó chán như cơm nếp nát . Em hỏi tụi nó có đọc thơ Nguyên Sa không tụi nó hỏi em Nguyên Sa là ai ? May mắn lắm mới có thằng thông minh đủ để hỏi em Nguyên Sa có phải là cái người viết lời cho nhạc Ngô Thụy Miên hay không ?

Một bà nghêu ngao:

– Tháng sáu trời mưa trời mưa không ngớt, trời không mưa anh cũng lạy trời mưa (*)

Một bà khác gật gù ra cái chiều hiểu biết:

– Nó trả lời đúng vậy mi chê bai cái gì ?

Tôi lắc đầu cố ngăn tiếng thở dài:

– Nói như vậy mà đúng đó hở ? Đó là thơ của Nguyên Sa do Ngô Thụy Miên phổ nhạc . Nguyên Sa là thi sĩ chứ đâu phải người viết lời cho nhạc Ngô Thụy Miên đâu . Nguyên Sa có bao nhiêu là bài thơ đâu phải bài nào cũng phổ nhạc đâu .

Chị tôi gật gù:

– Thì bài nào hay mới được phổ nhạc .

Tôi xía một cái dài ngoằng:

– Vậy biết bao nhiêu là thi sĩ khác không có thơ phổ nhạc thì thơ của họ đều là dở hết hay sao ? Nói chuyện như mấy bà, thơ hay là thơ phải được phổ nhạc, truyện hay là truyện phải được đóng thành phim thì còn gì là văn chương sáng tạo nữa .

Các chị nhìn tôi chán nản:

– Đi chơi với nhau có biết bao nhiêu chuyện để nói chứ đâu phải chỉ có ba cái thơ văn lăng nhăng đó đâu .
– Chúng nó kiếm mi để đi chơi chứ có ghi tên đi thi trạng nguyên đâu mà mi đem cái đề tài văn chương ra tuyển chọn .

Rồi chọc quê:

– Nó đòi “bên em vá áo, bên chàng làm thơ” đó mà .
– Trong khi nó thì lại chưa bao giờ cầm kim .

Và phán đoán:

– Mi đúng là … dở hơi .
– Mát cô đơn .
– Lập dị gì đâu .

Ừ, cũng tại con nhỏ mà tôi được đặt cho những cái danh hiệu chẳng lấy gì làm vẻ vang cho lắm . Mà các chị gọi tôi là dở hơi, lập dị cũng chẳng oan uổng gì vì trong gia đình tôi văn chương đồng nghĩa với ướt át, thi phú đi đôi với các cô tiểu thư khuê các yểu điệu nhu mì hay ít ra cũng e ấp nhỏ nhẹ cái kiểu lục vân tiên “khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái, ta là phận trai” . Tóm lại, tất cả những điều phản nghịch với … tôi . Ngay từ nhỏ tôi đã mang nhiều nam tính hơn nữ tính . Tôi không khéo tay thêu thùa được như các chị, tôi chưa bao giờ có cái kiên nhẫn ngồi chơi với những con búp-bê không biết trả lời lại như những đứa con gái khác, tôi chỉ vào bếp mỗi lần … đói bụng chứ chẳng bao giờ có ý muốn tập tành làm bánh hay nấu ăn . Tôi chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy, chưa ngồi đã … ngọ nguậy . Tôi chơi với bạn trai nhiều hơn bạn gái và theo lời mẹ kể thì đã từng có … tiền án … tát một thằng bé thuở học mẫu giáo vì nó dám tốc cái váy đầm tôi đang mặc . Lúc nhỏ khi mà đa số bé gái đều thích lớn lên làm cô giáo thì tôi mơ làm phi hành gia . Lúc lớn khi mà các cô giỏi gạo bài thì tôi khoái giải phương trình . Tôi ưa động không ưa tĩnh, thích nói không thích nghe, khoái ồn ào, sợ im lặng, thường chí chánh, ít trầm ngâm . Vậy, hà cớ chi con nhỏ lại tồn tại trong tôi ?

Con nhỏ tàng hình, ẩn ẩn hiện hiện, lập loè như ma trơi thế đấy cơ mà lại ảnh hưởng đến cái quyết định tối hậu của cuộc đời tôi . Con nhỏ kéo tôi phăng phăng vào con đường “có trăm lần vui có vạn lần buồn” một cách không ngần ngại, cái kiểu:

Ta bạt mạng kéo theo người bạt mạng
Nên cơn vui thường kéo theo cực hình

của Nguyễn Tất Nhiên xưa . Con đường gập ghềnh núi non trùng điệp như rặng Rocky Mountains thế mà vì phù phép hô biến của con nhỏ tôi chỉ nhìn thấy một con đường phẳng lì thẳng tắp với hai hàng cây buông tàn che bóng mát … Con nhỏ bị mê hoặc bởi những lá thư tình gấp thành hình chiếc lá cài lên kiếng xe mỗi ngày của người thanh niên vừa đến từ bên kia bờ đại dương xa . Người thanh niên còn trẻ đủ để bắt đầu lại thời sinh viên nhưng cũng già dặn vừa để chiêu dụ tôi bằng những vần thơ không chỉ “thấm nhuần đường lối và tư tưởng” Tố Hữu hay Chế Lan Viên . Đôi khi tôi cứ tự hỏi nếu không có con nhỏ hiện hữu trong tôi liệu tôi có đi trên con đường mình đang đi, quyết định những gì mình đã quyết định ? Thắc mắc vu vơ một tí như thế để … hành con nhỏ mỗi khi ấm ức, lên cơn thế thôi chứ thật ra tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định của mình . Tôi không phải là người thích ngoái đầu lại nhìn về phía sau lưng . Đúng hay sai, dường như không mang một … kí lô gì khi nói đến tình yêu . Nếu phải quyết định lại từ đầu có lẽ tôi cũng sẽ vẫn chọn lựa những gì mình đã lựa chọn, sẽ vẫn đi trên con đường mình đang đi và … cũng vẫn … than thở những gì mình thường thở than …

Cuộc đời có những trớ trêu thật buồn cười, vì sự hiện diện của con nhỏ trong tôi mà tôi chọn chàng, rồi cũng chính vì chàng mà tôi rời xa con nhỏ, chỉ vì câu nói:

– Người ta thích có một người tình mơ mộng nhưng không ai muốn có một người vợ mộng mơ .

Dù không hiểu tại sao lại phải có một sự khác biệt như thế bởi tôi “khi yêu” và tôi “lúc lấy” cũng chỉ là một … tôi mà thôi nhưng để chứng minh rằng “ta đây tuy không lớn lên ở quê nhà nhưng vẫn thuộc “tam tòng tứ đức” làu làu như ai” nên tôi đã đẩy con nhỏ ra khỏi cuộc đời mình một cách vô cùng nhẫn tâm không mảy may thương tiếc . Tôi tự nhủ cần chi phải có con nhỏ nữa khi tôi đã có cái nửa kia của mình bên cạnh .

Nhưng rồi như chú bé tí hon bị cha mẹ bỏ ngoài bìa rừng trong câu truyện cổ tích tôi được nghe kể năm xưa, con nhỏ cứ lẳng lặng kiếm đường quay về trong tôi . Nhất là những lúc “trái gió trở trời”, những khi “đời không màu hồng, mây chẳng màu xanh” thì con nhỏ lại quẫy mình mãnh liệt hơn bao giờ hết . Con nhỏ âm thầm lượm lặt lại cho tôi từng mảnh ký ức xưa cũ, một ngày xưa chân sáo vô tư, một ngày xưa si mê nồng nàn, một ngày xưa ngổ ngáo hồn nhiên … từng mảnh, từng mảnh, chắp vá, chất chồng, tạo thành một tấm mền bông vững chắc đỡ tôi từ những cú ngã nghìn trượng . Con nhỏ tẩn mẩn phủi lại cho tôi những lớp bụi phủ mờ trên tiềm thức, gợi cho tôi nhớ mình cũng đã có một thời yêu thương hạnh phúc, đã có một thời chân bước với gót trần không rướm máu … từng sợi, từng sợi giây kỷ niệm, con nhỏ miệt mài đan lại cho tôi một niềm tin ngỡ đã chìm khuất, một đam mê tưởng đã lụi tan …

Tôi được hình thành từ hai người hoàn toàn khác biệt . Bố lãng mạn nghệ sĩ bao nhiêu thì mẹ thực tế bôn ba bấy nhiêu . Con nhỏ là cái linh hồn được kết thành thai từ những câu chuyện cổ tích bố kể, từ những bài hát bố ru thuở nằm nôi, từ những đoạn nhật ký bố viết cho mẹ những ngày trong tù . Tôi lại là hiện thân của ý chí cương quyết và cái vỏ bọc mạnh mẽ mẹ hun đúc . Hai tâm thức, hai trạng thái, cùng giành nhau chỗ đứng trong cùng một hình thể, một con người . Không hiểu con nhỏ là chiếc bóng của tôi hay tôi là cái bản sao lệch lạc của con nhỏ .

Có lẽ chỉ qua con nhỏ tôi mới tự cho phép mình được yếu đuối, yếu đuối đến cùng cực nơi vực bờ cảm xúc … Có lẽ chỉ qua con nhỏ tôi mới dám lột trần cái chông chênh hụt hẫng, cái chòng chành nổi trôi nơi mình … Có lẽ chỉ qua con nhỏ tôi mới vỡ oà những giọt nước nóng tức tưởi vốn chỉ được tràn qua khoé mắt dưới vòi sen tắm … Có lẽ chỉ qua con nhỏ tôi mới chấp nhận được trên đời tất cả mọi thứ đều là tương đối … cái đỉnh cao hạnh phúc hay cái đáy bất hạnh… vốn không hề hiện hữu .

Con nhỏ đã viết ra những điều mà tôi chỉ dám nghĩ chứ không dám làm, con nhỏ đã viết ra những điều mà tôi đã làm trước khi kịp suy nghĩ, con nhỏ đã mơ những điều tôi muốn sống, con nhỏ đã sống những gì tôi chỉ dám mơ … Con nhỏ dạy cho tôi biết người ta không thể sống cho quá khứ, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng dĩ vãng đôi khi có quyền năng phà hơi thở nghị lực vào trong hiện tại, để rồi nhờ đó những nụ cười (cho dù mỏng mảnh hiếm hoi) được hình thành. Bởi những gì của ngày hôm nay rồi sẽ trở thành quá khứ của ngày mai …

Con đường trước mặt còn dài hun hút, còn lắm những chông gai gập ghềnh … không biết rằng tôi còn có thể giữ được con nhỏ cho riêng mình đến bao lâu …(vì dạo sau này tôi cảm thấy dường như mình đã già nua mệt mỏi mà con nhỏ, con nhỏ thì cứ lì lợm đứng lại đàng sau thời gian, cứ vẫn tiếp tục mơ tới những điều hoang tưởng, cứ vẫn tiếp tục viết về điều phù phiếm của cái gọi là tình yêu … ngờ nghệch như cô gái mới dậy thì … xưa cũ như kiểu y phục thời trang không còn thịnh hành ...) hay một sớm mai thức giấc tôi sẽ khám phá ra rằng con nhỏ đã … như con dế mèn vừa tự tử giữa đêm … tôi vẫn muốn nói lên một lời tạ ơn … tạ ơn thượng đế đã ban cho tôi con nhỏ … tạ ơn bố mẹ đã đan kết những điều đối nghịch để tạo ra con … tạ ơn những giấc mơ không thành để mình luôn hoài vọng vào một điều tốt đẹp còn ở phía trước … tạ ơn những giọt nước mắt để yêu quý hơn nụ cười … tạ ơn những gập ghềnh khúc khuỷu để trân trọng mặt phẳng bình yên … tạ ơn những vấp ngã để cẩn thận hơn khi bước … tạ ơn những thử thách để dặn mình phải vươn lên … tạ ơn những thương yêu mình đã được nhận lãnh … tạ ơn những hiềm khích mình đã gây ra cùng gánh chịu … tạ ơn trời, tạ ơn đời, tạ ơn người …

và … tạ ơn con nhỏ, con nhỏ với cái tên yên bình tự đặt, dẫu cho sự hiện diện của con nhỏ trong tôi là định nghĩa của “niềm vui đã nằm trong thiên tai ” (**)

(… tự khúc … )

Hoài Yên

(*) tháng sáu trời mưa
(**) tình khúc thứ nhất – Vũ Thành An

14 thoughts on “About

  1. Sao CON NHỎ đó có đôi nét giông giống DQ vậy chị HY? Chỉ có điều khác là DQ là chị lớn chứ hổng phải em út mà cũng hổng có chị gái hay anh trai nào chế giễu hết.

    Liked by 1 person

      • 3 đứa em của DQ thì hổng dám chế giễu, nhưng mỗi khi thấy chị Hai viết gì thì lại thắc mắc “viết để mần chi ??”. Nhưng rồi, sau khi thấy chị Hai viết kể chuyện thời xửa thời xưa 1 chặp thì 2 cô em gái kế cũng tự động viết kể chuyện xa xưa theo cho vui đó chị! 🙂 🙂

        Cái vụ “mê toán lý hóa mà đòi viết văn” thì giống lắm luôn à nhen. 🙂

        Liked by 1 person

  2. Mình đọc phần đầu của Hoài Yên thì cảm thấy rất giống mình vì ba mình cũng học tập cải tạo, mình từng đoạt giải luận văn toàn cấp lớp bốn, từng đăng bài trên báo nhà trường và báo Việt ở Úc và mơ làm văn sĩ… Nhưng mình chẳng có viết thư tình vì chẳng có người tình nào cho tới tận năm mình lấy chồng.

    Mình đọc bài viết hơi khó khăn vì Hoài Yên viết tắt cho nên hơi bị Nhức đầu và nhức mắt!

    Liked by 1 person

    • HY chào chị HiMe – cám ơn chị đã ghé thăm nhà HY . HY không có viết tắt nhưng đọc lời bình của chị thì HY hiểu chị cũng bị như HY, đó là trên Iphone hay Ipad thì không đọc được – HY cũng chẳng biết làm sao, từ hôm HY upgrade cái iOS trong Ipad thì bị vậy đó – anh chị nào biết sửa chỉ cho HY nha

      Like

  3. Pingback: Sớ Táo Quân Bính Thân 2016 | Những Dòng Thương Nhớ - My Nostalgic Journey

  4. Pingback: Xứ cao bồi, mùa lụt | Lại Gần Với Nhau

      • chị đi làm qua Hwy 6 & I-10 hả? Nếu vậy thì đoạn đó còn bị ngập đến vài tuần nữa lận. Quanh vùng đó, chỗ em làm cũng đang kiếm các địa điểm bầu cử khác để thay cho các nơi đã bị lụt đây nè chị ơi!
        Chị và gia đình bình an là mừng rồi!

        Liked by 1 person

Leave a comment